Cô gái cho biết đã mua một liệu trình tiêm filler được bán trên mạng với quảng cáo "nâng dáng mũi nhanh, đẹp, không tai biến". Người bán cho biết mũi tiêm đầu sẽ gây đau buốt, song là phản ứng bình thường và nhanh chóng hết. Bệnh nhân tự tiêm filler ở nhà, ngay sau đó mũi đã xuất hiện những dấu hiệu bất thường.

Ngày đầu tiên tự tiêm filler để nâng mũi cao hơn, mũi cô gái 20 tuổi bị sưng đỏ, đến ngày thứ ba thì loét có mủ.

Cô gái đến khám và điều trị tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM 

Đến khám tại khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM, bác sĩ cho biết bệnh nhân bị viêm da hoại tử sau tiêm filler ngày thứ ba. Nguyên nhân là do cô gái này không đảm bảo nguyên tắc vô khuẩn khi tiêm, không biết cấu trúc giải phẫu vùng tiêm và filler kém chất lượng.

Bệnh nhân phải trải qua ca phẫu thuật cắt lọc mô hoại tử, điều trị kháng viêm. Sau hai tuần điều trị, các vết nhiễm trùng lành, tuy nhiên sẹo lồi vùng cánh mũi và lõm vùng thân mũi khá nhiều. Bệnh nhân phải tiếp tục điều trị sẹo thêm từ 6 đến 12 tháng.

Được biết, chi phí nâng mũi bằng filler tại các cơ sở thẩm mỹ từ 7 - 9 triệu đồng/1 cc, nhưng filler bán ở các spa nhỏ lẻ hoặc trên mạng giá chỉ khoảng 800.000 - 2 triệu đồng/1 cc. Filler giá rẻ thường là kém chất lượng, dễ dẫn đến tai biến, khó hồi phục hoàn toàn, điều trị lâu dài tốn kém. Còn việc ai đó liều lĩnh tự mua, tự tiêm filler để "làm đẹp thần tốc" lại càng nguy hiểm, có thể dẫn tới những hậu quả khó lường.

Chỉ còn vài ngày nữa là đến Tết, rất mong các "tín đồ làm đẹp" hãy cẩn thận với các quyết định làm đẹp một cách nóng vội, thiếu cân nhắc, vì chỉ một quyết định sai lầm là có thể khiến họ... mất Tết như chơi!