Gần đây trong Hội nhóm dao kéo trên Facebook, các chị em truyền tai nhau hình ảnh cô gái 9X với chiếc mũi hỏng toàn tập gây không ít ám ảnh cho người xem.

Nhiều người cho rằng đây là hậu quả của mũi bị hỏng, biến chứng nặng đến mức lòi hết sụn ra ngoài, để lại một chỗ trống hoác đáng sợ. Xem qua những hình ảnh này, ai cũng lắc đầu vì gần như mũi đã hoại tử khó có thể cứu vãn.

Chất liệu sụn lòi hẳn ra ngoài

Đầu mũi bị lực sụn nhân tạo đè nặng đến nỗi căng đứt da, tạo thành hõm sâu

Nhiều người rùng mình trước cảnh tượng mũi biến dạng của cô gái

Có thể thấy, việc nâng sửa mũi giúp gương mặt hài hòa, thanh thoát hơn là nhu cầu chính đáng của các chị em phụ nữ. Nhưng làm đẹp thiếu hiểu biết như cô gái trên lại khiến hệ lụy hết sức khôn lường. Đôi khi phải bỏ một số tiền rất lớn để sửa lại mũi nhưng vẫn không thể làm dáng mũi lành lặn như ban đầu. Bởi vậy, các chị em cần chú ý những vấn đề sau trước khi nâng mũi.

Biến chứng có thể gặp phải khi nâng mũi?

Theo TS.BS Phạm Thị Việt Dung (giảng viên Bộ môn Phẫu thuật Tạo hình - trường Đại học Y Hà Nội, bác sĩ tại Khoa Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) cho biết: Biến chứng có thể xuất hiện bất cứ thời điểm nào, ngay khi mới phẫu thuật hoặc 1 - 2 -5 năm sau phẫu thuật nâng mũi. Nó có thể xuất phát từ yếu tố khách quan hay chủ quan trong và sau quá trình nâng mũi.

Các hiện tượng như bầm tím và sưng nề là phản ứng tự nhiên của cơ thể khi tiếp nhận chất liệu mới, thường hết sau 1-2 tuần. Bạn không nên nhầm tưởng đó là biến chứng nâng mũi.

Nhiễm trùng có thể xuất hiện sớm sau mổ vài ngày hoặc muộn sau vài tuần đến vài tháng. Dấu hiệu dễ thấy của viêm nhiễm, nhiễm trùng là tình trạng sưng đỏ kéo dài, chảy dịch, vết thương hở không lành, sờ vào vùng mũi bị tổn thương cảm giác đau nhói, bùng nhùng… Với những biểu hiện này bạn nên xử lý bằng kháng sinh mạnh hoặc tháo chất liệu, sục rửa vùng viêm nhiễm. Tùy vào mức độ biến chứng mà bạn có thể tái sửa mũi ngay hoặc chờ một thời gian cho mũi ổn định.

Với biến chứng lộ sóng, bóng đỏ có thể gây hậu quả sụn mũi đâm thủng đầu mũi. Nguyên nhân của tình trạng này là do nâng mũi quá cao hoặc quá dài, áp lực sụn nâng lên da quá lớn khiến căng da, mỏng da và cuối cùng là đâm thủng da. Với biến chứng này buộc bạn phải tháo sụn ngay.

Một biến chứng cũng thường gặp nhưng dễ xử lý hơn là lệch, vẹo. Lệch vẹo có thể do bác sĩ đặt sai vị trí sụn hoặc do tác động ngoại lực. Cũng có một số trường hợp là do chất liệu sụn bị cong vênh dẫn đến lệch vẹo. Trong trường hợp lệch vẹo nhẹ do tay nghề bác sĩ thì có thể nắn chỉnh ngay. Còn nếu nặng buộc phải tháo sụn, thay chất liệu sụn mới để đảm bảo yếu tố thẩm mỹ.

Tay nghề bác sĩ rất quan trọng vì thế bạn nên cân nhắc địa chỉ nâng mũi uy tín

"Thủng đầu mũi, tòi chất liệu ra đầu mũi, biến dạng đầu mũi và vách mũi là những biến chứng khá nặng nề làm thay đổi hình dáng mũi ngay cả khi tháo chất liệu, cũng xảy ra không ít với các đối tượng thực hiện phẫu thuật mà không được đào tạo bài bản hoặc theo dõi không sát, xử lý biến chứng không kịp thời sau mổ", BS Việt Dung nhấn mạnh.

Sau cùng là một bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ dù là giỏi đến mấy cũng không thể khẳng định 100% phẫu thuật không biến chứng. Bởi tay nghề bác sĩ chỉ chiếm 70% thành công ca phẫu thuật, còn lại do chế độ chăm sóc hậu phẫu cũng như cơ địa khách hàng. Có điều bác sĩ càng được đào tạo bài bản, càng có kinh nghiệm thì càng giảm tối thiểu những rủi ro và nếu có thì cũng là những biến chứng nhẹ, có thể sửa chữa được.

Sau nâng mũi nên kiêng gì?

Sau nâng mũi nên kiêng gì là câu hỏi của rất nhiều người

Để hạn chế những biến chứng có thể xảy ra, bạn nên tuân thủ đúng y lệnh bác sĩ về chế độ ăn uống phù hợp sau nâng mũi:

- Không nên ăn hải sản như tôm, cua, cá, mực… vì chúng có thể gây dị ứng da

- Không ăn rau muống, trứng, đồ nếp, thịt bò, thịt gà… vì bạn có thể bị ngứa hoặc thâm, sẹo lồi...

- Tuyệt đối không sử dụng chất kích thích như rượu bia, thuốc lá, hạn chế nước uống có ga và đồ ngọt

- Không nên đeo kính, vận động quá mạnh trong 2 tháng đầu sau nâng mũi

- Hạn chế nằm nghiêng, không được nằm sấp trong 2 tuần do lúc này mũi chưa thực sự ổn định

- Uống thuốc đầy đủ theo đơn bác sĩ, bổ sung các thực phẩm giàu vitamin để vết thương nhanh lành…

Hi vọng những kiến thức trên có thể giúp bạn hiểu rõ hơn về phẫu thuật nâng mũi và sớm sở hữu dáng mũi chuẩn đẹp, bền vững với thời gian.