Từ sau tết Dương lịch, nhiều spa, massage, cơ sở làm đẹp kém chất lượng đã thi nhau tung ra các quảng cáo đầy hấp dẫn: Tẩy trắng da trong 30 phút, nâng mũi nhanh, 60 phút đã có má lúm đồng tiền… Cùng với đó là nhiều khuyến mãi "bia kèm lạc" kiểu như nâng mũi tặng nhấn mí, xăm môi tặng phun chân mày, hay các gói tẩy nám, trị mụn, thêu chân mày… với mức giá đã giảm tới... 70%!

Một ca nâng mũi bị biến chứng

Năm 2020 là một năm đầy khó khăn vì dịch Covid-19. Rất nhiều người vì quá bận rộn với cuộc mưu sinh, suốt cả năm không có cơ hội chăm sóc cho bản thân, đã tranh thủ dịp cận Tết để làm đẹp, với mong muốn bước sang năm mới có một dung mạo "khả ái" hơn. Sự khó khăn về tài chính cũng khiến nhiều người cố gắng tìm ra những dịch vụ có giá rẻ, có nhiều khuyến mãi.

Lợi dụng tâm lý đó của khách hàng, nhiều cơ sở thẩm mỹ kém chất lượng đã tung ra nhiều "gói dịch vụ" cùng nhiều loại mỹ phẩm được quảng cáo là "thần thánh" với giá rẻ, ví dụ như những hộp kem... thay da sinh học giá 450.000 đồng (thực chất là các loại kem trộn), dịch vụ tắm trắng giá 150.000 đồng... Nhưng nhiều người sau khi sử dụng các dịch vụ và sản phẩm này đã gặp phải những biến chứng hết sức nguy hại.

Nhiều sản phẩm trôi nổi được quảng cáo như những "liều thuốc thần thánh"

Không chỉ làm kem trộn, nhấn mí, các cơ sở này còn thực hiện những thủ thuật lớn như sửa mũi, nâng ngực... gây nhiều hậu quả nặng nề. Đơn cử như một “trung tâm thẩm mỹ” ở TP.HCM tung ra gói nâng mũi 3D "thần tốc" chỉ mất khoảng 20 phút cho một "chiếc mũi Hàn Quốc" với giá chỉ 3,2 triệu đồng. Thế nhưng, một khách hàng cho biết sau khi thực hiện dịch vụ này, chị thấy đau tê và nặng sóng mũi bên trái. Qua hôm sau, mũi chị đỏ tấy, đau nhức, chảy dịch. Nhờ bạn chở đến bệnh viện, chị mới biết mình bị biến chứng.

Theo một số bác sĩ, do đa phần người có nhu cầu làm đẹp chỉ quan tâm đến nhanh, rẻ nên tin vào lời quảng cáo, hoặc giới thiệu của bạn bè, người quen. Ở những cơ sở này, chủ tiệm hay người thực hiện làm đẹp không phải bác sĩ, không có chứng chỉ hành nghề mà chỉ học các khóa tạo má lúm, nhấn mí, xăm môi… theo kiểu nghề dạy nghề sau đó về thực hiện cho khách.

Để cạnh tranh, chạy đua giá rẻ, hầu hết tiệm spa sử dụng nguyên liệu làm đẹp trôi nổi, không rõ nguồn gốc, nhất là filler (chất làm đầy). Chủ tiệm xem filler như một “thần dược” trong làm đẹp, muốn tiêm ở đâu thì tiêm, rất nguy hiểm.

Thêm phần, khi biến chứng xảy ra, nhiều người thay vì đến bệnh viện khám bệnh, lại tiếc tiền quay lại cơ sở làm đẹp ban đầu để… bảo hành, kéo dài thời gian đi điều trị, gây ra những hậu quả nặng nề. Đã có trường hợp người bệnh biến dạng cả gương mặt, hoại tử mất mũi, mù mắt… thậm chí tử vong.

Có một số trường hợp, mặc dù bác sĩ đã phân tích vết thương, cố gắng giải tỏa tâm lý cho người bệnh nhưng vẫn có người đòi xuất viện, sau đó… lại đi làm đẹp tiếp để kịp ăn tết, bất chấp những hậu quả có thể xảy ra.

 

Trên thực tế, không có loại làm đẹp nào thực hiện trong 1-2 tiếng đồng hồ là xong hoàn toàn. Sau khi làm đẹp, người sử dụng dịch vụ phải được hướng dẫn chăm sóc vết thương, tái khám trong một thời gian để bác sĩ theo dõi hồi phục vết thương tránh nhiễm trùng, biến chứng.

Vì vậy, trước khi quyết định làm đẹp, các chị em cần tìm hiểu kỹ cơ sở mà mình chọn lựa, yêu cầu cơ sở cho xem giấy phép hoạt động và kiểm tra chứng chỉ hành nghề của bác sĩ thực hiện hạng mục mình có nhu cầu làm đẹp. Tuyệt đối không nên ham rẻ, ham nhanh, vì hậu quả không chỉ đau đớn, mất tết mà chi phí điều trị biến chứng còn cao gấp nhiều lần.