Ngay từ đầu năm 2020, khi những thông tin về dịch Covid-19 từ nước ngoài đưa về Việt Nam còn khá "mơ hồ", thị trường dịch vụ làm đẹp đã có dấu hiệu "rung lắc", khi lượng khách hàng đột ngột giảm mạnh so với thời điểm trước đó 1-2 tháng.

Những dấu hiệu bất ổn ngày càng rõ hơn khi những ca nhiễm nCoV đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam vào tháng 3/2020. Và nguy cơ xảy ra một "thảm họa" thực sự hiện hữu khi tình hình dịch bệnh ngày càng nóng bỏng, Chính phủ phải quyết định giãn cách xã hội trên phạm vi toàn quốc, đóng cửa tất cả các dịch vụ không thiết yếu - tất nhiên là bao gồm cả dịch vụ làm đẹp.

Ngành "công nghiệp làm đẹp" Việt Nam vừa vượt qua một năm đầy sòng gió

Cũng như nhiều ngành kinh tế khác, các cơ sở làm đẹp buộc phải lựa chọn một trong không nhiều phương án: Hoặc cho nhân viên nghỉ việc, đóng cửa hoàn toàn mọi hoạt động để bảo toàn nguồn vốn nhưng sẽ phải xây dựng lại từ con số 0 sau khi được phép hoạt động trở lại; hoặc chấp nhận bỏ tiền "nuôi" nhân viên trong tình trạng doanh thu là 0 đồng, tiếp tục duy trì hoạt động chăm sóc khách hàng và tiếp thị trong một giới hạn nhất định, nhưng đổi lại là sẽ duy trì được nền tảng để có thể bắt tay ngay vào công việc sau khi được phép hoạt động trở lại.

Đáng mừng là nhiều cơ sở đã lựa chọn "giải pháp trung dung", cấp 50% lương cơ bản để giữ chân nhân viên, duy trì ở mức cơ bản hoạt động chăm sóc khách hàng và tiếp thị. Theo ước tính của một số bác sĩ thẩm mỹ, tổng chi phí "ròng" mà mỗi cơ sở phải bỏ ra trong thời gian này từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng mỗi tháng!

Hai tháng ngưng hoạt động, nhiều cơ sở thẩm mỹ đã chịu thiệt hại nhiều tỷ đồng, nhưng thiệt hại lớn hơn là ngay cả khi dịch vụ thẩm mỹ được mở cửa trở lại từ giữa tháng 5/2020, họ đã mất đi một lượng khách hàng tiềm năng rất lớn, đa phần là khách hàng Việt kiều và khách hàng người nước ngoài - vốn dĩ rất ưa chuộng dịch vụ làm đẹp tại Việt Nam.

Nhưng, trong cái khó thì lại "ló" cái khôn, tình trạng thị trường bị thu hẹp buộc các cơ sở thẩm mỹ phải tập trung khai thác thị trường nội địa. "Khách nội địa không hẳn là "dễ tính" hơn khách Việt kiều hay nước ngoài. Nhóm khách hàng này cũng có nhiều đòi hỏi, yêu cầu rất cao, nên chúng tôi phải rất nỗ lực để đáp ứng mọi nhu cầu. Thị trường hạn hẹp nên tính cạnh tranh cũng cao hơn, và chúng tôi xác định giải pháp để nâng cao năng lực cạnh tranh tốt nhất là cải tiến chất lượng dịch vụ, xây dựng quy trình thẩm mỹ an toàn, hạn chế tối đa các nguy cơ biến chứng, nhiễm trùng... Để làm được việc đó, đầu tư vào lực lượng nhân sự được xác định là biện pháp mang tính cơ bản và lâu dài" - Bác sỹ Trần Phương (Viện thẩm mỹ Newface, 377 Sư Vạn Hạnh, phường 12, quận 10, TP.HCM) cho biết.

BS Trần Phương cùng Viện thẩm mỹ Newface đã nỗ lực vượt qua khó khăn, duy trì hoạt động nghiệp vụ với chất lượng cao

Đồng quan điểm, BS Trịnh Quang Đại, Viện thẩm mỹ Latin (204 đường 3/2, phường 12, quận 10, TP.HCM) cũng cho biết: "Tôi luôn tâm niệm làm bất cứ nghề nào cốt cũng ở cái tâm, cái đức. Nhất là những người làm trong ngành phẫu thuật thẩm mỹ như tôi, điều đó lại cần được đặt lên hàng đầu. Vì vậy, tôi xác định phương châm hành nghề của mình là "Mang đến vẻ đẹp tự nhiên, an toàn, chăm sóc khách hàng như người nhà". Trong tình hình khó khăn của thị trường như thời gian qua, phương châm này càng cần được quán triệt sâu sắc, làm kim chỉ nam cho tôi cũng như cho nhiều đồng nghiệp trong hành nghề".

Ngành "công nghiệp làm đẹp" Việt Nam đã có những bước tiến mạnh mẽ trong vài năm gần đây, vươn lên trở thành một "đối trọng" đáng kể của các "cường quốc thẩm mỹ" như Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan... giờ đây lại càng có động lực phát triển để vượt qua hoàn cảnh khó khăn.

Bác sĩ Trịnh Quang Đại: "Mang đến vẻ đẹp tự nhiên, an toàn, chăm sóc khách hàng như người nhà"

Chính vì thế, ngay cả khi đợt dịch thứ 2 bùng phát vào tháng 7/2020, thì hoạt động của ngành Thẩm mỹ ở TP.HCM vẫn được duy trì, tạo đà để thị trường "bùng nổ" trong những tháng cuối năm. "Mặc dù không có nhóm khách hàng Việt kiều, khách nước ngoài, nhưng hoạt động của nhiều viện thẩm mỹ vẫn khá sôi động với lượng khách hàng nội địa đông đảo. Nhờ đó, hệ thống các viện thẩm mỹ đã khẳng định được uy tín trên thị trường vẫn đảm bảo đà tăng trưởng, đời sống các bác sĩ, kỹ thuật viên, nhân viên vẫn được đảm bảo. Tôi cho đó là thành công lớn nhất mà ngành thẩm mỹ có được trong năm qua", Bác sĩ Trần Phương nhận định.

Bước sang đầu năm 2021, tình hình dịch bệnh lại bùng phát, với hàng trăm ca lây nhiễm xuất hiện ở nhiều địa phương, nhưng với kiến thức và kinh nghiệm đã được tích lũy, và quan trọng nhất là một khi đã có niềm tin, ngành "công nghiệp làm đẹp" Việt Nam vẫn tự tin sẽ một lần nữa vượt qua khó khăn, duy trì sự ổn định, đảm bảo nhịp độ tăng trưởng nhằm phục vụ khách hàng ngày một tốt hơn.

"Khó khăn này rồi cũng sẽ qua đi, chỉ có ý chí, quyết tâm, niềm tin của con người là ở lại, trở thành nguồn năng lượng để giúp những bác sĩ ngành thẩm mỹ làm tốt hơn nhiệm vụ của mình, tiếp tục mang đến vẻ đẹp, niềm vui cho biết bao người" - bác sĩ Trịnh Quang Đại bày tỏ.