Đó là trường hợp của một nữ bệnh nhân 24 tuổi, đến từ Lâm Đồng. Bệnh nhân này được người quen giới thiệu nâng mũi tại một spa nhỏ ở địa phương bằng phương pháp nâng mũi cấu trúc bọc megaderm – được quảng cáo là “tối tân nhất” và “giữ trọn đời” với mức giá 25 triệu đồng.

Nhưng chỉ 4 ngày sau phẫu thuật, mũi cô đã bị sưng, ủ dịch, kèm đau nhức, nhiễm trùng nên đã quay lại spa đó. Tại đây cô được bơm rửa mũi bằng một loại dung dịch, được giải thích là “do cơ địa yếu”. nhưng sau đó, 2 lỗ mũi cô liên tục chảy dịch đen hôi khó chịu nên một lần nữa quay lại spa để “cầu cứu”. Lần này, cô được nhân viên spa tiêm kháng sinh vào mông, một thời gian ngắn sau thì mông cô cũng bị hình thành ổ áp xe lớn, có dấu hiệu hoại tử nặng.

Chiếc mũi bị nhiễm trùng nặng của bệnh nhân đến từ Lâm Đồng

Lần thứ 3 tìm đến spa, cô được chủ spa tư vấn nâng mũi bọc sụn tai. Miếng megaderm được lấy ra đã biến sắc đen sì, còn đầu mũi teo tóp, tím rịm. Nhưng ca phẫu thuật này cũng thất bại khi mũi cô đau nhức hơn trước, dấu hiệu nhiễm trùng rất rõ ràng. Cuối cùng, cô đành xuống TP.HCM để “giải cứu” chiếc mũi.

Miếng sụn nhân tạo được lấy ra từ mũi bệnh nhân

Theo giới chuyên môn, megaderm là một dạng mô dùng để cấy ghép dưới cấu trúc mô da, là dạng vô bào nhân tạo, hoạt động như một tấm đệm chắn nằm giữa sụn nhân tạo và da mũi. Megaderm được bào chế từ mô da con người nên có độ tương thích cao khi đưa vào cơ thể. Nó không bị đào thải tự nhiên do phản ứng miễn dịch. Miếng megaderm này được coi là mô đệm tốt nhất cho da, có tác dụng bao bọc, ngăn ngừa các nguy cơ biến chứng, nhiễm trùng.

Mặc dù có các đặc tính ưu việt như vậy, nhưng megaderm không hẳn là một thứ “vật liệu thần thánh” có khả năng loại trừ hoàn toàn nguy cơ biến chứng. Trong trường hợp của nữ bệnh nhân đến từ Lâm Đồng nói trên, việc sử dụng megaderm không có gì sai, nhưng do ca phẫu thuật được thực hiện trong môi trường không đảm bảo vệ sinh, lại được thực hiện bởi một “bác sĩ tay ngang” – một dạng “lang vườn”, nên rất có thể chính miềng megaderm đã bị nhiễm khuẩn trước khi đặt vào mũi của bệnh nhân.

Miếng megaderm được sử dụng trong phẫu thuật nâng mũi

Như vậy, việc sử dụng miếng megaderm trong trường hợp này đã phản tác dụng: Từ chỗ là vật liệu giúp ngăn ngừa nguy cơ nhiễm trùng, biến chứng, nó lại trở thành một ổ vi khuẩn gây nhiễm trùng!

Sự mất vệ sinh của spa, nơi thực hiện ca phẫu thuật này còn được chứng minh rõ hơn với việc vết tiêm kháng sinh ở mông bị áp xe, hoại tử.

Vì thế, lựa chọn vật liệu đắt tiền chưa hẳn là an toàn, mà yếu tố quan trọng mà mọi khách hàng nâng mũi cần quan tâm hàng đầu là cần lựa chọn được một cơ sở uy tín, đảm bảo vệ sinh, cùng với những bác sĩ có tay nghề “thiện nghệ”, làm việc có tâm và có trách nhiệm.

PV