Đến cơ sở thẩm mỹ ở TPHCM nâng mũi giá 100 triệu đồng theo lời quảng cáo hấp dẫn của "bác sĩ tiktok", một cô gái xinh đẹp phải gánh hậu quả nặng nề, không biết khi nào mới phục hồi.
Nguồn tin riêng của Dân trí cho biết, những ngày qua các bác sĩ khoa Bỏng và Tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Trưng Vương (TPHCM) đang tiến hành điều trị một trường hợp bị tai biến thẩm mỹ rất nặng.
Nát mũi vì "bác sĩ tiktok"
Bệnh nhân là chị N. (31 tuổi, quê Tây Ninh). Theo lời kể của bệnh nhân, cách đây không lâu, chị theo dõi trên tiktok và thấy tài khoản tên H.P.Nh., có hàng ngàn người theo dõi, tự nhận mình là bác sĩ thẩm mỹ. Kênh này thường xuyên đăng tải các clip sửa mũi, làm đẹp, chỉnh sửa mũi hỏng, với lời quảng cáo thay đổi diện mạo hấp dẫn.
Phiếu tư vấn và thu 100 triệu đồng tiền sửa mũi của chị N. tại phòng khám của "bác sĩ tiktok" (Ảnh: N.N.).
Ngày 8/2, N. tìm đến một thẩm mỹ viện trên đường Lê Hồng Phong (quận 10, TPHCM) để gặp "bác sĩ tiktok". Qua tư vấn, cô gái chấp nhận để bác sĩ Nh. nâng mũi cấu trúc và đặt sụn mũi, làm trụ mũi cho mình, với giá 100 triệu đồng.
Tuy nhiên khi thực hiện, N. lại được chuyển đến một bệnh viện thẩm mỹ khác trên địa bàn quận 10. Cô được tiến hành gây mê trong lúc sửa mũi.
Khoảng 3 tuần sau, chị N. quay trở lại gặp bác sĩ Nh. tái khám trong tình trạng 2 bên cánh mũi lõm vào, đầu mũi co rút nặng.
Người nhận sửa mũi cho chị N. trấn an cô rằng đây là tình trạng "tăng sinh mô", từ từ sẽ trở lại bình thường. Nếu muốn, bác sĩ Nh. sẽ tiêm collagen để mũi sớm đầy đặn lại. Tuy nhiên, chỉ sau vài tiếng tiêm, mũi của cô gái chẳng những không đầy mà còn bị sưng đỏ, sau đó chuyển dần sang màu tím đen.
Bác sĩ Nh. lại giải thích "không sao, chừng vài ngày sẽ hết", nhưng tình trạng càng lúc càng nặng nề. N. liên hệ một số bác sĩ khác để nhờ tư vấn thì được cảnh báo mũi có nguy cơ đã hoại tử nặng.
Lúc này, cô gái mới ý thức mũi mình gặp vấn đề, nên cương quyết yêu cầu cơ sở thẩm mỹ phải rút sụn mũi và trả lại tiền đóng trước đó.
Mũi cô gái sưng bầm, biến dạng sau khi được "bác sĩ tiktok" nâng cấu trúc, đặt sụn (Ảnh: N.N.).
"Lúc đầu họ nhất quyết không đồng ý yêu cầu của tôi. Chỉ khi tôi chạy đến trụ sở làm căng thẳng, bác sĩ Nh. mới chịu cho nhân viên rút sụn mũi và trả lại 30% số tiền 100 triệu đồng đã đóng trước đó của tôi" - bệnh nhân chia sẻ.
Không biết khi nào hồi phục
Sau khi rút sụn, chân mũi của chị N. tiếp tục bị sưng đen. Quá lo sợ, ngay sáng hôm sau, chị N. tìm đến Bệnh viện Trưng Vương cầu cứu. Tại đây qua kiểm tra, bác sĩ phát hiện bệnh nhân không được tiêm collagen mà là filler (chất làm đầy) trên nền mũi đã từng chỉnh sửa trước đó, khiến mũi bị tắc mạch, hoại tử nặng.
Điều đáng nói là khi bệnh nhân gặp biến chứng lần đầu, cơ sở thẩm mỹ đã rút sóng mũi ra và tiếp tục cấy thêm trung bì mũi, trên nền mũi đang hoại tử, khiến tình trạng diễn tiến xấu hơn.
Mũi bệnh nhân hoại tử nặng sau khi tiếp tục tiêm filler (Ảnh: N.N.).
Để xử lý cho bệnh nhân, các bác sĩ phải tiến hành phẫu thuật lấy hết các vật liệu bên trong mũi ra ngoài, mổ giải áp, xử lý tình trạng hoại tử. Sau 10 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân được cho về nhà tự theo dõi, chờ từ 3-6 tháng để hồi phục. Tuy nhiên sau đó, bệnh nhân lại tìm đến một spa trên đường 3/2 (quận 10) để cấy chỉ nâng mũi, vì nghe quảng cáo sẽ được chỉnh sửa thành công cấp tốc. Hậu quả, mũi cô tiếp tục bị tàn phá nặng.
"Khi bệnh nhân trở lại bệnh viện, chúng tôi tiến hành mổ, lấy ra đến 60 cọng chỉ được cấy vào mũi. Đây là số lượng thật sự khủng khiếp, không thể tưởng tượng được cơ sở nào lại làm chuyện sai hoàn toàn này cho bệnh nhân" - bác sĩ điều trị bức xúc.
Hiện tại, bệnh nhân được dùng kháng sinh mạnh để xử lý tình trạng nhiễm trùng. Các bác sĩ cũng không còn chắc chắn có thể giữ được mũi bình thường cho bệnh nhân hay không, bởi sau nhiều lần bị cấy các vật liệu vào, mũi đã bị chèn ép mạch máu và biến dạng nặng nề.
Bác sĩ phẫu thuật rút 60 cọng chỉ trong mũi bệnh nhân (Ảnh: N.N.).
Bác sĩ phân tích, việc tiêm filler nâng mũi có thể dẫn đến những nguy cơ, biến chứng như tắc mạch máu, hoại tử nếu làm sai kỹ thuật, nên cần hết sức cân nhắc khi chọn thực hiện. Đặc biệt, nếu mũi từng chỉnh sửa thì các cấu trúc về mạch máu, giải phẫu, hệ thống cơ đã thay đổi, nên chống chỉ định tiêm filler.
"Người dân phải hết sức tỉnh táo khi muốn làm đẹp. Nếu đã xảy ra biến chứng, cần tuân thủ phác đồ điều trị từ bác sĩ, không nên dại dột đến những cơ sở trôi nổi, để người không được đào tạo, không nắm vững chuyên môn can thiệp thẩm mỹ, gây hậu quả nặng nề" - chuyên gia thẩm mỹ khuyến cáo.
Liên quan đến sự việc bệnh nhân phẫu thuật thẩm mỹ với "bác sĩ tiktok" gặp tai biến, sau khi nhận phản ánh từ phóng viên Dân trí, lãnh đạo Sở Y tế TPHCM cho biết đã chuyển ngay thông tin đến Thanh tra Sở Y tế để tiến hành xác minh làm rõ, xử lý theo quy định pháp luật.
Theo Dantri