Khuyến mãi – “Tuyệt chiêu kích cầu” của nhiều cơ sở thẩm mỹ

Làm đẹp là một trong những ngành dịch vụ cực hot, và cũng có sự cạnh tranh khốc liệt giữa các thương hiệu lớn nhỏ. Đó chính là lý do vì sao nhiều cơ sở thẩm mỹ thường tung ra các hình thức khuyến mãi khác nhau để thu hút khách hàng. Đặc biệt sau mùa dịch Covid-19 đợt 1, khuyến mãi gần như trở thành “con đường sống” duy nhất giúp các cơ sở thẩm mỹ gượng dậy trên con đường hồi phục.

Chưa cần có những thống kê cụ thể và chính xác, hẳn ai cũng biết mức độ thiệt hại vô cùng to lớn mà dịch Covid-19 đã gây ra đối với ngành thẩm mỹ. Trong đợt giãn cách xã hội vào tháng Tư, thẩm mỹ là một trong những dịch vụ “không thiết yếu”, đứng trong Top đầu danh sách những ngành nghề kinh doanh, dịch vụ phải tạm thời đóng cửa để phòng chống dịch. Và cũng là một trong những ngành nghề cuối cùng được cấp phép hoạt động khi xã hội chuyển sang giai đoạn “bình thường mới”, khi dịch đã cơ bản được khống chế trên phạm vi toàn quốc.

Hơn thế, dịch bệnh hoành hành, phần lớn thu nhập của người lao động, kể cả nhóm nhân sự trung - cao cấp đều giảm sút trông thấy, mọi chi tiêu đều phải “thắt lưng buộc bụng”. Lo đủ chuyện ăn chuyện mặc cho gia đình đã là một thành công lớn. Làm đẹp gần như là nhu cầu xa xỉ chẳng mấy ai màng tới.

Sau giãn cách, bước vào giai đoạn “bình thường mới” nhưng nhiều cơ sở vẫn đứng trước nguy cơ phá sản, trong khi một số khác có khá khẩm hơn, cố gắng “cựa mình” tìm hướng hồi phục, chấp nhận thua lỗ để cầm cự qua giai đoạn khó khăn. Sau “làn sóng” cắt giảm nhân sự, tinh giản bộ máy thì “KHUYẾN MÃI” là phương châm được áp dụng đầu tiên. Bởi theo lời các chủ cơ sở thẩm mỹ thì… “không còn cách nào khác”!  

Khuyến mãi trở thành tuyệt chiêu kích cầu của đại đa số các cơ sở thẩm mỹ. Một số cơ sở áp dụng hình thức phát hành voucher giảm giá tới 50% - 60%; số khác sử dụng gói quà tặng hấp dẫn kích thích nhu cầu khách hàng như mua 1 tặng 1... Nhờ đó lượng khách dần dần được thu hút lại, thị trường ngành làm đẹp sau thời gian trầm lắng, hẩm hiu, đã lóe lên những tia hy vọng, dù còn khá mong manh.

Thế nhưng, chỉ tròn 100 ngày bình yên, dịch Covid-19 bất ngờ tái tấn công và diễn biến phức tạp hơn. Mặc dù quan điểm của Chính phủ trong giai đoạn này là “sống chung với dịch, giữ mục tiêu kép là vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế”, nhưng các cơ sở thẩm mỹ vẫn không khỏi lo lắng, và một lần nữa câu hỏi “Có nên áp dụng tuyệt chiêu khuyến mãi sâu cho khách hàng để sống sót thêm lần nữa?” lại được đặt ra với sự cấp thiết cao độ.

Coi chừng “ĐẠI HẠ GIÁ” đi đôi với cung cấp dịch vụ kém chất lượng

Khi được hỏi về kế sách trong thời gian tới, chị Quyên (chủ 1 cơ sở làm đẹp tại TP. HCM) chia sẻ: “Kể cả bấu víu vào chủ trương của Chính phủ là hạn chế khả năng tái lập giãn cách xã hội trong đợt này,  thì việc khuyến mãi kích cầu cũng không phải giải pháp mang lại hiệu quả tức thì, bởi hiện tại gần như cơ sở nào cũng chạy chương trình khuyến mãi. Thậm chí 1 số nơi “giảm giá kịch sàn” chỉ bằng ⅓, ¼ mức giá bình thường, khiến chúng tôi có chấp nhận chịu lỗ cũng không cạnh tranh nổi”.

Lấy lý do “tri ân mùa dịch”, nhiều cơ sở thẩm mỹ hoạt động “chui” đã lên mạng xã hội đăng bài khuyến mãi tràn lan, bát nháo. Cùng với đó, các dịch vụ kém chất lượng càng được nước lấn sân một cách ngang nhiên mà không hề có sự kiểm soát.

Bác sĩ Tấn Huy (TP. HCM) chia sẻ: “Gần đây tôi đọc được thông tin trên một group cộng đồng thẩm mỹ, thấy người ta “chào mời” giá sửa mũi chỉ vài triệu đồng. Là một bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ, tôi không thể hiểu với mức giá đó họ sử dụng nguyên liệu gì và quy trình nâng mũi thực hiện như thế nào! Bởi chỉ riêng tiền nguyên liệu ở các cơ sở uy tín đã cao hơn nhiều so với mức giá trên”.

Chiêu trò “đại hạ giá” thực chất là cung cấp dịch vụ kém chất lượng không phải là chuyện mới, nhưng thời gian gần đây tình trạng này càng phổ biến và tinh vi hơn. Lợi dụng tâm lý khách hàng ham rẻ, muốn làm đẹp tiết kiệm tối đa trong mùa dịch mà một số cơ sở thẩm mỹ chui tung chiêu làm ăn chụp giật. Không ít khách hàng vì thiếu hiểu biết đã rơi vào “bẫy giảm giá”, thậm chí nhận trái đắng “tiền mất tật mang”.

Tình trạng này cũng khiến các cơ sở thẩm mỹ làm ăn đàng hoàng, chắc thiệt rơi vào tình trạng “chịu lỗ nhiều cũng không tài nào cạnh tranh nổi”. 

Thực tế trên là lời cảnh báo cho các khách hàng nên cẩn thận với chiêu trò “đại hạ giá” với các dịch vụ làm đẹp. Đồng thời nó cũng là dấu hỏi lớn buộc các cơ quan quản lý cần vào cuộc giám sát, xử lý để ngành thẩm mỹ trở nên “trong sạch”, duy trì chất lượng dịch vụ ngay cả trong mùa dịch.