Với sự thâm nhập của văn hóa Hàn Quốc vào Việt Nam, những năm gần đây nhiều người Việt, nhất là giới trẻ đã "si mê" vẻ đẹp Hàn thông qua các diễn viên, ca sĩ thần tượng xứ Hàn. Với các cô gái Việt, “cái mũi Hàn” đã trở thành “đại sứ” nhan sắc, thành chuẩn mực cho vẻ đẹp thời thượng…

“Nâng mũi kiểu Hàn” thực chất là gì?

Sự tồn tại và phát triển của trường phái thẩm mỹ Hàn Quốc ở Việt Nam là có thật, trong đó có trào lưu “nâng mũi kiểu Hàn” - với nhiều tên gọi khác nhau, nghe rất "kêu", rất hấp dẫn.

Thực chất các kỹ thuật nâng mũi Hàn Quốc hiện nay cũng chỉ bao gồm 3 phương pháp phẫu thuật chính: Nâng mũi đặt sống, nâng mũi bọc sụn và nâng mũi cấu trúc. Những kỹ thuật này không phải mới ra đời, cũng không phải xuất xứ từ Hàn Quốc, mà đã được áp dụng từ rất nhiều năm trước ở nhiều nơi khác trên thế giới.

Sự bùng nổ nhu cầu cộng với những thành công ngoạn mục của phẫu thuật thẩm mỹ Hàn Quốc đã khiến nhiều người lầm tưởng là kỹ thuật đó xuất xứ từ Hàn Quốc.

Nâng mũi theo phong cách xứ Hàn giúp khuôn mặt hài hòa hơn

Điểm khác biệt của "mũi Hàn Quốc" so với "mũi Âu Mỹ" chính là kiểu mũi thời trang phù hợp với đặc trưng của người châu Á. Nhưng nó đều có những nguy cơ, những hệ lụy như mọi phẫu thuật ngoại khoa khác.

Hội Phẫu thuật thẩm mỹ thành phố Hồ Chí Minh và Hội Phẫu thuật thẩm mỹ Hàn Quốc đã tổ chức rất nhiều những cuộc gặp gỡ trao đổi chuyên môn kỹ thuật giữa những chuyên gia hàng đầu từ hai phía. Nhiều câu hỏi được đặt ra, nhiều vấn đề được trao đổi để hiểu thêm vì sao phẫu thuật thẩm mỹ Hàn Quốc phát triển nhanh chóng và hiện đứng vào hàng những nước tiên tiến nhất.

Tại đây, các chuyên gia hàng đầu về phẫu thuật thẩm mỹ của Hàn Quốc (trong đó có các chuyên gia nổi tiếng nhất về làm mũi) đã báo cáo trung thực về những thất bại, những tai biến và biến chứng.

Cũng như mọi nơi khác và cũng như mọi phẫu thuật khác, các trường hợp nâng mũi làm đẹp ở Hàn Quốc cũng có tỷ lệ đáng kể cho kết quả chưa hài lòng - nếu không muốn nói là thất bại. Có nghĩa là những “mũi S-line”, “mặt V-line” trên màn ảnh và sân khấu Hàn chỉ là phần thành công, phần đẹp nổi lên trên tảng băng thẩm mỹ.

Cũng có nghĩa là con đường để có một cái mũi đẹp như mong ước bằng phẫu thuật thẩm mỹ là không hề dễ dàng, ở tất cả mọi nơi trên trái đất này!

Những hệ lụy khó lường

Những hệ lụy đáng tiếc do phẫu thuật nâng mũi không thành công

Nâng mũi là phẫu thuật tưởng như ai cũng làm được, nhưng thực sự là một thách thức nghề nghiệp cho mọi bác sĩ thẩm mỹ. Nhận định vẻ đẹp của cái mũi đã khó, làm được một cái mũi đẹp càng khó hơn.

Biến chứng, tai biến là những điều khó tránh khỏi. Phổ biến nhất là các trường hợp sống mũi lệch vẹo, có thể biểu hiện sớm sau mổ vài ngày hoặc vài tuần. Sống mũi bị lệch có thể do bác sĩ đặt lệch khi phẫu thuật hoặc đặt thẳng mà băng nẹp cố định không tốt hoặc do bệnh nhân vận động di chuyển quá mức làm chấn động di lệch.

Để giải quyết thường phải can thiệp sớm ngay khi hết sưng đau để đặt lại sống mũi với sự chú ý tránh lặp lại những nguyên nhân đã gây ra lệch vẹo.

Rắc rối thứ hai là chuyện vết mổ không lành. Niêm mạc mũi thường rất mỏng manh, nhất là ở 2 bên vách ngăn, nếu kỹ thuật mổ mà đi qua hoặc tác động trực tiếp lên niêm mạc mũi cộng với lực tỳ đè của chất liệu cấy ghép có thể dẫn đến hệ quả vết mổ khó lành, thậm chí không lành.

Vết thương lâu lành còn có thể do nhiễm khuẩn, nhưng nếu nhiễm khuẩn đơn thuần và được điều trị kịp thời có thể bảo tồn được sống mũi ghép. Biểu hiện của nó là vết mổ thấm dịch kéo dài có thể gây sưng nề gốc mũi hoặc toàn bộ tháp mũi. Trong trường hợp này, dù có cố gắng điều trị bảo tồn thì cuối cùng thường vẫn phải tháo bỏ chất liệu sống mũi cấy ghép để nếu muốn làm lại hay không cũng phải chờ sau 1 - 2 tháng khi vết thương đã lành.

Biến chứng thứ 3 là đầu mũi đỏ hoặc toàn bộ sống mũi. Rắc rối này xảy ra muộn có khi sau nhiều tháng đến một vài năm. Đây có thể là phản ứng tại chỗ của cơ thể với vật lạ cấy ghép ngoại lai. Giải pháp xử lý bằng cách lấy bỏ chất liệu sụn, sau khi lành sẽ làm lại bằng phương pháp khác.

Một biến chứng khác đòi hỏi phải giải quyết mổ lấy bỏ chất liệu sụn càng sớm càng tốt ngay khi có dấu hiệu là biến chứng lộ sụn, mà thường bị nhất là đầu mũi hoặc chân sống mũi ở phía trong tiểu trụ. Nguyên nhân có thể là do di chuyển dịch chất liệu độn theo trọng lực, có thể do sự teo nhanh mô mềm sau khi ghép hoặc do chất liệu sụn bị đặt ở lớp quá nông.

Lộ sụn, sụn đâm thủng đầu mũi vì nâng mũi quá dài

Đặc biệt là ở đầu mũi, có khi xảy ra muộn sau một vài năm với biểu hiện đầu mũi nhô ra, da mỏng dần, thậm chí có khi do không có điều kiện tái khám nên khi bệnh nhân đến thì da đã bị thủng lòi chất liệu sụn ra ngoài.

Biến chứng cuối cùng là sự nhận định kết quả phẫu thuật về mặt thẩm mỹ, tuy không ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng lại ảnh hưởng nặng nề tới tâm lý bệnh nhân, khiến cho bệnh nhân (và cả thầy thuốc) không hài lòng nên cũng phải phẫu thuật lại để có kết quả tốt hơn.

Có đôi khi nhận định của bác sĩ và bệnh nhân không thống nhất, bác sĩ thấy mũi đẹp mà bệnh nhân không chấp nhận. Trường hợp này thường phải có thời gian để bác sĩ kiên nhẫn thuyết phục bệnh nhân, tạo sự thông cảm để có thể dung hòa ý kiến, còn nếu không thể “chung sống hòa bình” thì lại phải làm lại hoặc lấy bỏ theo yêu cầu để làm hài lòng “thượng đế”.

Để kết thúc, xin gửi một lời chúc và cũng là một lời khuyên cho những ai đang muốn làm “đẹp mặt” thì hãy nhớ “thương lấy mũi” như cha ông ta đã khuyên hãy luôn “nể mũi ” khi “vuốt mặt”. Vì vậy, chỉ nên đi thẩm mỹ làm đẹp mũi khi đã tìm hiểu kỹ càng, thực sự hiểu biết về phẫu thuật mình sẽ làm, đồng thời nên hoàn toàn tin tưởng vào bác sĩ thẩm mỹ và yên tâm về cơ sở y tế mình đã lựa chọn.