"Tôi muốn làm điều này từ lâu rồi. Bây giờ ai cũng đeo khẩu trang nên tôi cảm thấy thoải mái hơn khi đi phẫu thuật", Lee nói sau khi tiêm chất làm đầy mặt.

Trong lúc Covid-19 buộc khách nước ngoài tới Hàn Quốc phẫu thuật thẩm mỹ phải dừng bước, thì các bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ Hàn Quốc đang chào đón lượng lớn khách hàng nội địa tại những phòng khám nằm dọc các đại lộ hào nhoáng ở quận Gangnam.

Áp phích quảng cáo dịch vụ thẩm mỹ tại Hàn Quốc. Ảnh: AFP.

Áp phích quảng cáo dịch vụ thẩm mỹ tại Hàn Quốc. Ảnh: AFP.

 

Làm việc tại nhà và những biện pháp khác giảm tương tác xã hội khiến những người lo lắng về việc gây sự chú ý của người khác yên tâm hơn. Họ phải băng bó và đeo khẩu trang nhiều tuần sau phẫu thuật thẩm mỹ.

"Những người muốn làm thẩm mỹ nhưng không thể làm vì thiếu thời gian để bình phục đang đổ về phòng khám của chúng tôi những ngày này", Hwang Yong-seok, bác sĩ thẩm mỹ ở Gangnam, nói.

Tại Hàn Quốc, cứ ba phụ nữ trong độ tuổi 20 thì một người cho biết từng phẫu thuật thẩm mỹ. Nhưng Covid-19 dường như đã làm con số này tăng lên.
"Phẫu thuật mặt và ngực" là phổ biến nhất, Hwang nói.

Sẵn lòng chi tiền cho phẫu thuật thẩm mỹ là dấu hiệu cho thấy Hàn Quốc đã phần nào thành công trong việc hạn chế thiệt hại kinh tế do Covid-19. Khi chính phủ Hàn Quốc tung ra gói kích thích kinh tế trị giá 230 tỷ USD, các bác sĩ thẩm mỹ ở Gangnam đã giảm giá để thu hút bệnh nhân bằng cách tranh thủ nguồn viện trợ của chính phủ.

Sau khi kinh tế giảm tăng trưởng 1,3% trong quý đầu, mức tiêu dùng nội địa giảm 6%, chính phủ Hàn Quốc đã mở gói cứu trợ thảm họa khẩn cấp trị giá 11,7 tỷ USD. Các hộ gia đình 4 người được cấp số tiền lên tới 827 USD dưới dạng điểm tín dụng, phiếu quà tặng và thẻ trả trước, hạn sử dụng tới cuối tháng 8. Chính quyền các tỉnh cũng tặng người dân tiền mặt.

Phiếu thẩm mỹ là một trong những mặt hàng xa xỉ mà người dân Hàn Quốc đang mua sắm. Theo khảo sát của công ty McKinsey tháng trước, chưa tới một nửa người tiêu dùng Hàn Quốc đang thắt chặt chi tiêu. Tiêu dùng cho mặt hàng và dịch vụ không thiết yếu vẫn đang tăng.

Với nhiều người Hàn Quốc, khoản trợ cấp thúc đẩy tiêu dùng của chính phủ khiến họ mua sắm nhiều hơn sau những tháng lo lắng và cách ly vì Covid-19.

"Tôi thấy mình như được nhận phần thưởng. Gia đình tôi đã tiêu phần lớn số tiền đi ăn thịt nướng tại một nhà hàng trước đây chúng tôi không dám vào vì quá đắt", Lee Hyun-jung, một nhà thiết kế thời trang 52 tuổi, nói về món thịt bò nướng địa phương.

Kim Jong-ran, một nhân viên kiểm hàng ở siêu thị 57 tuổi, cuối tuần trước đã mạnh tay mua một bộ quần áo leo núi cao cấp. "Trước đây tôi sẽ do dự nhưng bây giờ, tôi thoải mái hơn khi tiêu tiền bởi đó là tiền được tặng", bà Kim nói.

Nhu cầu tiêu dùng nội địa rất quan trọng với nền kinh tế Hàn Quốc, nơi chủ yếu phụ thuộc vào xuất khẩu. Xuất khẩu chiếm khoảng 40% tổng sản phẩm quốc nội Hàn Quốc, đã giảm gần một phần tư trong hai tháng qua.

"Chúng tôi hy vọng quý hai sẽ phục hồi đáng kể khi Covid-19 đã được kiểm soát. Dù lĩnh vực sản xuất vẫn trong tình cảnh khó khăn, nhưng người tiêu dùng tăng cường chi tiêu sẽ thúc đẩy kinh tế tốt hơn", Park Seok-gil, một nhà kinh tế tại JPMorgan, công ty dịch vụ tài chính lâu đời nhất thế giới, nói.

Tuy nhiên, tâm lý lạc quan chỉ tồn tại ở số ít. Dữ liệu thất nghiệp cho thấy tình cảnh khó khăn mà Hàn Quốc phải đối mặt trong tương lai. Hồi tháng 4, tỷ lệ thất nghiệp ở Hàn Quốc đã tăng với tốc độ nhanh nhất trong hai thập kỷ gần đây.

"Mọi thứ bây giờ đều ảm đạm vì tìm việc rất khó", Kim Jung-nam, một người vận chuyển hành lý 58 tuổi cho hãng hàng không Asiana Airlines, người mất việc tháng trước, nói.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tuyên bố sẽ tạo thêm 500.000 việc làm trong khu vực công. Nhưng các nhà phân tích cho rằng chính phủ gặp nhiều hạn chế khi muốn hỗ trợ nền kinh tế phụ thuộc phần lớn vào nhu cầu nước ngoài.

Park Chong-hoon, một nhà kinh tế của Standard Chartered, công ty đa quốc gia chuyên về ngân hàng và tài chính, cảnh báo ngành sản xuất sẽ đối mặt cú sốc lớn trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu.

"Chính phủ chỉ có thể viện trợ một lần. Vì Hàn Quốc phụ thuộc nhiều vào thương mại, kinh tế sẽ chỉ phục hồi sau khi những quốc gia khác khá hơn", ông nói.

Tuy nhiên, với những bác sĩ và khách hàng ở Gangnam, rất ít người quan tâm đến điều này.

"Con bé vừa tiêm botox thường kỳ xong, nhưng nó lại xin nghỉ một tháng để phẫu thuật cằm và mũi", một phụ nữ trong độ tuổi 60 ngồi chờ con gái trong một phòng khám ở Gangnam, nói.

Theo FT