Làm đẹp là một nhu cầu chính đáng với tất cả mọi người, đặc biệt là phụ nữ. Điều quan trọng hiện nay là cơ quan quản lý làm sao để định hướng cho người dân đi làm đẹp một cách an toàn, tránh các biến chứng đáng tiếc xảy ra.
Các bác sĩ Bệnh viện thẩm mỹ Hàn Quốc JW, quận 1, TP.HCM phẫu thuật cho một bệnh nhân bị hoại tử vùng bụng nghiêm trọng sau khi tiêm chất tan mỡ mua trôi nổi trên thị trường vào cuối tháng 2-2022 - Ảnh: T.D.
PGS.TS Đỗ Quang Hùng - phó chủ tịch Hội Phẫu thuật thẩm mỹ TP.HCM khẳng định.
Theo ông Hùng, TP.HCM hiện có hơn 10 bệnh viện và hơn 200 cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ được cấp phép nhưng theo thống kê sơ bộ, lại có trên 5.000 cơ sở nhận phẫu thuật thẩm mỹ trái phép. Nghịch lý này tiềm ẩn nhiều nguy cơ về sức khỏe, tính mạng của những người có nhu cầu chính đáng: làm cho mình đẹp hơn.
Cần nhớ rằng phẫu thuật thẩm mỹ cũng như chạy xe đường trường với dốc cao, đèo sâu. Người phẫu thuật cũng giống như tài xế, cần phải đi hàng chục lần với người tài xế chính mới có thể tự tay cầm lái một cách an toàn.
PGS.TS ĐỖ QUANG HÙNG
PGS.TS Đỗ Quang Hùng
Ra ngõ đụng cơ sở làm đẹp
* Phải thừa nhận thực tế hiện nay người người làm đẹp, nhà nhà làm đẹp nhưng làm đẹp ở đâu cho an toàn, hiệu quả lại là vấn đề khá nhức nhối...
- Đã nói đến y khoa đương nhiên không tránh khỏi sự cố, nhưng với một bác sĩ có chuyên môn tốt sẽ biết xử trí sự cố như thế nào để mang đến sự an toàn nhất cho người bệnh.
Việc thẩm định cấp phép cho một cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ đòi hỏi đáp ứng rất nhiều yếu tố, trong đó bắt buộc phải có phòng mổ, các trang thiết bị máy móc và hệ thống hồi sức cấp cứu. Về phần nhân sự, quan trọng nhất vẫn phải có người đảm bảo trình độ chuyên môn và kinh nghiệm; bên cạnh sự giám sát về chuyên môn bởi cơ quan y tế địa phương.
Thực tế hiện thị trường làm đẹp ở TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung đang khá hỗn loạn, ra ngõ đụng cơ sở làm đẹp và chất lượng thì "vàng thau lẫn lộn". Không chỉ có các tiệm làm đẹp ngoài đời thực, hoạt động phẫu thuật thẩm mỹ còn ì xèo trên mạng như cái chợ, ai cũng có thể trở thành chuyên gia làm đẹp với đủ thứ "tư vấn".
* Dù được cảnh báo nhưng nhiều sự cố đau lòng vẫn tiếp tục xảy ra, như vụ tai biến gây chết người ở Hà Nội và TP.HCM gần đây... Dưới góc độ chuyên môn, ông có thể đánh giá như thế nào về hai sự cố này?
- Nạn nhân của hai sự việc đau lòng đều là những cô gái trẻ. Ở trường hợp tử vong trong quá trình nâng ngực tại Bệnh viện 1A, nếu quy trách nhiệm, theo tôi, cả bác sĩ gây mê và phẫu thuật viên chính đều có lỗi. Nguyên tắc trong vòng 6 tiếng đồng hồ phẫu thuật là giai đoạn chu phẫu, cần phải theo dõi sát biểu hiện bệnh nhân.
Như vậy vai trò của phẫu thuật viên chính ở đâu trong việc theo dõi các thông số sinh tồn gồm mạch, huyết áp, nhịp thở, nhịp tim, nồng độ oxy trong máu, điện tâm đồ... Rồi bác sĩ gây mê ở đâu khi để bệnh nhân tử vong trên giường hậu phẫu mà không biết?
Sự việc người phụ nữ quê Long An ra Hà Nội phẫu thuật thẩm mỹ tử vong ngày 17-3 thì điều đáng nói hơn: nơi phẫu thuật là căn phòng được mướn từ một salon cắt tóc, người phẫu thuật không có kinh nghiệm, chỉ học nghề theo kiểu "cầm tay chỉ việc" từ một người bạn từng làm spa.
Rõ ràng những người này không đủ trình độ chuyên môn cũng như kinh nghiệm để thực hiện một ca phẫu thuật thẩm mỹ.
* Tại sao ngày càng nhiều người tìm đến phẫu thuật thẩm mỹ, thậm chí có người còn quyết định "đập đi xây lại"?
- Phải thừa nhận nhu cầu làm đẹp ngày càng lớn không chỉ ở Việt Nam mà hầu như ở các nước trên thế giới. Ngay như Hàn Quốc, phần thưởng cho những người con có thành tích học giỏi chính là một suất làm đẹp.
Ngoài các yếu tố nêu trên, phải thừa nhận thực tế cho thấy đặc điểm cơ địa của người Việt, trong đó phụ nữ đa số có sống mũi thường khá thấp (mũi tẹt), mắt híp hoặc không có mí rõ, ngực lép... Do đó, cải thiện các hạn chế bằng phẫu thuật thẩm mỹ chính là nhu cầu thực tế, chính đáng để mỗi người có thể tự tin hơn trong giao tiếp và cuộc sống đời thường.
Tuy vậy làm đẹp như thế nào lại là điều cần được khuyến cáo bởi các chuyên gia có tay nghề, không thể phó thác cho các "tay ngang".
Chẳng hạn có người mong muốn nâng mũi giống với người châu Âu, nhưng họ không thể lường trước nếu phẫu thuật thẩm mỹ "quá sức" trên nền của mũi tẹt (lấy sụn vách ngăn để nâng mũi), chắc chắn sẽ phá vỡ cấu trúc mũi, dẫn đến nhiều biến chứng như sụp mũi hoặc mũi biến dạng.
Đặc biệt còn rất nhiều ca biến chứng khủng khiếp mà tôi từng gặp và xử trí do bơm silicon lỏng, tiêm filer, tiêm tan mỡ... một cách vô tội vạ, cuối cùng bị biến chứng nhiễm trùng làm hủy hoại nhiều bộ phận của cơ thể.
Do đó để mang đến sự an toàn về tính mạng, đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ đòi hỏi người bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ cần phải có sự tích lũy nhiều năm kinh nghiệm, không chỉ đọc sách hoặc học hỏi qua loa vài lần là có thể làm được.
Công an quận Tân Bình (TP.HCM) đến Bệnh viện 1A để điều tra vụ việc chị N. tử vong sau khi nâng ngực - Ảnh: T.N.
Bỏ tâm lý thích "làm đẹp ngay"
* Từ các vụ tai biến thẩm mỹ gần đây cần được nhìn nhận ở hai mặt, một phần do trình độ chuyên môn yếu kém của bác sĩ nhưng không thể không nhắc đến việc người đi làm đẹp cũng "làm đẹp bất chấp"...
- Thực tế đa số người có nhu cầu làm đẹp hiện nay đều có tâm lý ngại vào các bệnh viện lớn, bởi ngại nhiều thủ tục, không phẫu thuật ngay.
Điều này cũng có phần đúng, bởi với các bệnh viện lớn cần phải đảm bảo các yêu cầu về chuyên môn, tức trước khi phẫu thuật cần phải thực hiện đầy đủ các thủ tục xét nghiệm kiểm tra sức khỏe.
Còn ở các cơ sở làm đẹp thì khác, đặc biệt tư tưởng thích nhanh gọn và "làm đẹp ngay" trong ngày dễ dàng bị các cơ sở thẩm mỹ, nơi có các "bác sĩ tay ngang" dẫn dắt, lôi kéo.
Nhưng mọi chuyện đâu phải dễ dàng như thế. Như việc cắt mí, thực hiện ở Bệnh viện Chợ Rẫy thì 6 triệu đồng, các phòng khám mạo danh quảng cáo khuyến mãi giá rẻ chỉ 3 - 4 triệu đồng. Nhưng khi đã dụ được khách lên bàn mổ thì bắt đầu tung chiêu trò mồi chài để moi thêm tiền.
* Có ý kiến cho rằng ngành làm đẹp đang là "thị trường béo bở". Điều này khiến ngành này ngày càng quy tụ nhiều "tay ngang" tham gia và để lôi kéo làm đẹp một số nơi có quảng cáo quá đáng, sai sự thật, bất chấp mọi lề lối, khuôn phép?
- Theo tôi, ý kiến đánh giá này hoàn toàn chính xác và ở nhiều nước như Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc... cũng thế. Từ thực tế này mà ai lao vào ngành thẩm mỹ đều có thu nhập tốt bởi người đi làm thẩm mỹ cơ bản đều có điều kiện.
Chỉ có phẫu thuật thẩm mỹ mới thu được nhiều tiền nên nảy sinh nhiều cơ sở làm đẹp quy tụ "tay ngang" sẵn sàng vượt lên tất cả để làm bậy.
Cũng xuất phát từ "thị trường béo bở" này mà một số bác sĩ tìm cách lôi kéo người có nhu cầu. Đa số bác sĩ muốn giành giật khách hàng đều xưng mình là số 1 nhưng việc các bác sĩ tự xưng danh mình là "số 1" thì không có ai quản lý, chế tài việc này.
Theo tôi, một bác sĩ thẩm mỹ giỏi ít nhất phải có từ 10 - 15 năm kinh nghiệm mới có thể đứng mổ một cách chỉn chu được.
* Vậy theo ông, chúng ta cần phải có các giải pháp gì để quản lý cũng như răn đe các cơ sở và cá nhân làm bậy?
- Đối với các cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ mạo danh, có tính chất lừa bịp làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân thì trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc giám sát, phát hiện và cảnh báo rất quan trọng.
Cần phải nói về mặt quản lý ngành, Bộ Y tế, sở y tế và các phòng - trung tâm y tế quận huyện phải có cơ chế quản lý. Với tính chất hoạt động thẩm mỹ rầm rộ như hiện nay, tôi cho rằng các địa phương (cụ thể là UBND và công an phường - xã hoặc các tổ dân phố, ấp...) đều phải có trách nhiệm giám sát.
Theo TTO