Nghỉ không lương ở nhà suốt 2 tháng do công ty cắt giảm nhân sự vì đại dịch, chị Xuân (quận Bình Thạnh, TPHCM) buộc phải cắt giảm rất nhiều khoản chi tiêu. Nắm giữ vị trí quản lý kinh doanh tại một công ty xuất nhập khẩu, thu nhập tính bằng “tiền đô”, nên từ lâu nay, một trong những thói quen, và cũng là sở thích của chị là đến các spa, viện thẩm mỹ để chăm sóc sắc đẹp, với hy vọng “níu giữ tuổi xuân” ở độ tuổi sắp bước qua ngũ tuần. Nhưng đến giờ thì nhu cầu ấy bị liệt vào nhóm “không thiết yếu”. Và hẳn nhiên, chi phí làm đẹp sẽ được chuyển qua cho các nhu cầu thiết yếu hơn, như ăn mặc, chi trả việc học cho các con và chăm sóc sức khỏe cho các thành viên trong gia đình.

Nhưng không phải ai cũng lựa chọn “giải pháp an toàn” như chị Xuân. Đơn cử như trường hợp chị Kim Phượng, ngụ tại quận 2, TPHCM. Mới bước sang tuổi 30, công việc đang đầy triển vọng phát triển với vị trí trợ lý giám đốc đối ngoại đang mở ra ngay trước mắt, chị Phượng luôn chăm chút cho vẻ đẹp của mình – bởi chị coi đó như một trong những “lợi thế cạnh tranh” để thăng tiến trong công việc.

Trong suốt thời gian “giãn cách xã hội”, vì phải ở nhà chăm lo con cái, gia đình, lại không có thời gian đến các cơ sở chăm sóc sắc đẹp để “tút tát”, nên sắc vóc của chị bị ảnh hưởng không ít. “Từ trước Tết, tôi đã có ý định “chỉnh sửa” một số đường nét trên khuôn mặt, bao gồm cả việc phẫu thuật nâng mũi, nhưng dự định chưa kịp thực hiện thì gặp đại dịch, phải ở nhà cả tháng trời, nên tôi rất nóng lòng mong cuộc sống trở lại bình thường, để có thể sớm thực hiện được mong muốn của mình”, chị chia sẻ.

Chính vì thế, ngay từ đầu tháng 5, khi lệnh “giãn cách xã hội” bắt đầu được nới lỏng, chị đã liên hệ ngay với một cơ sở thẩm mỹ để được tư vấn. Và chị cũng là một trong những người đầu tiên đăng ký phẫu thuật thẩm mỹ ngay sau khi dịch vụ thẩm mỹ được phép hoạt động trở lại.

“Sau thời gian nghỉ dài ngày để phòng chống dịch, trong khi nhiều người quay quắt với cơm áo gạo tiền khi thu nhập giảm sút mạnh, thì chị Phượng lại cố gắng thu xếp một khoản tiền không nhỏ để “đầu tư nhan sắc”. “Giữa lúc nhiều người không quan tâm đúng mức đến hình thức vì bị chi phối quá nhiều vấn đề “hệ trọng” khác, thì việc mình đầu tư vào hình thức sẽ giúp mình trở nên nổi bật hơn, tạo nên nhiều lợi thế trong công việc. Đó là lý do khiến tôi phải cố gắng “gói ghém”, thu xếp các khoản chi tiêu để có ngân khoản cho việc làm đẹp. Rất may là chồng tôi ủng hộ, tạo điều kiện tối đa để tôi thực hiện tâm nguyện của mình”, chị tâm sự.

Và rồi, mọi thứ đều diễn ra theo đúng dự tính của chị Phượng. Sau ca phẫu thuật nâng mũi thành công, gương mặt chị trở nên thanh tú, rạng rỡ hơn hẳn so với trước. Và những ngày giữa tháng 6 vừa qua, chị chính thức nhận quyết định bổ nhiệm chức danh trợ lý giám đốc đối ngoại của công ty – một “bước đệm” để cô gái trẻ có thể bước vào hàng ngũ lãnh đạo tại công ty.

Dịch Covid-19 diễn ra, ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế thế giới. Trong báo cáo mới từ công ty dữ liệu Poshly dựa trên thông tin từ 872 người trong ngành làm đẹp, tập trung ở Mỹ cho thấy, các nhà bán lẻ mỹ phẩm, nhân viên dịch vụ làm đẹp đang phải đối mặt với thách thức chưa từng có. Một triệu người trong ngành làm đẹp chịu ảnh hưởng bởi dịch, nhiều cửa hàng đóng cửa trên toàn quốc, chuyên gia trang điểm và tạo mẫu tóc không có việc làm. Các triển lãm thương mại lớn của ngành cũng bị hoãn lại.

Với bối cảnh hiện nay, ngành làm đẹp đang đối mặt tương lai không chắc chắn. Không ai biết người tiêu dùng sẽ mua đồ trang điểm và chăm sóc da như thế nào. Theo Business Insider (trang báo điện tử của Mỹ), phần lớn người tiêu dùng nói, họ không quan tâm đến các sự kiện ra mắt sản phẩm mới trong thời điểm này.

Tại Việt Nam, báo cáo đánh giá, bổ sung tình hình kinh tế - xã hội quý I và dự báo thời gian còn lại của năm 2020 cho thấy, Covid - 19 khiến 34.900 doanh nghiệp trong đó nhiều cơ sở thẩm mỹ, làm đẹp, đóng cửa. Một số doanh nghiệp kinh doanh làm đẹp đặt chế độ ngủ đông, đóng băng, nghe ngóng tình hình.

Tuy nhiên, trong bối cảnh nhiều khó khăn như vậy, vẫn có một số người chọn thời “hậu Covid-19” để “tân trang nhan sắc”, bởi họ tin rằng đây chính là lúc mà các bác sĩ, cơ sở thẩm mỹ có cảm hứng và điều kiện để thực hiện tốt nhất các dịch vụ. Về phía một số cơ sở thẩm mỹ, được biết thời gian qua trong khi mọi dịch vụ phải đóng cửa, hoàn toàn không có thu nhập, có những cơ sở cho nhân viên nghỉ việc vô thời hạn, thì vẫn có một số nơi cố gắng duy trì bộ máy nhân sự, chấp nhận chi phí lớn để đảm bảo mọi điều kiện luôn ở trạng thái ổn định, có thể bắt tay vào hoạt động ngay sau khi hết giãn cách xã hội.

Mặc dù tình hình thị trường hiện thời đang gặp nhiều khó khăn, nhưng có nhiều tín hiệu cho thấy mọi chuyện đang dần đi vào ổn định theo chiều hướng tích cực.

"Trong nguy có cơ", dịch bệnh diễn ra cũng là lúc các doanh nghiệp đi qua "chiếc phễu lọc" cần một tư duy mới để bứt phá. Do đó, các ông lớn trong ngành cũng có cơ hội thể hiện trong giai đoạn này. "Qua đợt dịch, thị trường sẽ thanh lọc nhiều cơ sở yếu kém do không đủ năng lực chuyên môn và tài chính. Những cơ sở uy tín, đảm bảo an toàn vẫn luôn được khách hàng tin tưởng lựa chọn”, một số bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ ở TPHCM nhận định.

PV