Từ xưa đến nay, câu chuyện thẩm mỹ của người nổi tiếng vẫn luôn là đề tài mà người hâm mộ quan tâm. Cứ thi thoảng lại thấy các ca sĩ, diễn viên, người mẫu biến mất khỏi mạng xã hội một thời gian dài. Đến lúc xuất hiện trở lại thì khuôn mặt của họ bỗng dưng trở nên khác trước khá nhiều. Tuy nhiên, khi được đặt nghi vấn có đụng chạm "dao kéo" để xinh đẹp hơn hay không, hầu hết người nổi tiếng đều sẽ lên tiếng chối bay chối biến.

Thời gian gần đây, cộng đồng mạng chia sẻ rầm rộ một cách check mũi có nâng hay không bằng ánh nắng mặt trời: Nghĩa là đưa khuôn mặt ra trước ánh nắng, nếu sống mũi có độ "phát sáng" thì người đó được coi là đã thực hiện nâng mũi.

Nhờ cách này mà không ít khán giả đã "soi" ra dấu hiệu thần tượng của mình đúng là đã thực hiện chỉnh sửa trên khuôn mặt.

Tuy nhiên, điều này cũng gây ra không ít phản ứng trái chiều khi nhiều người cho rằng đây là hình thức đoán mò, không có độ chính xác cao và cũng chưa được chuyên gia phẫu thuật thẩm mỹ nào chứng thực.

Lạm dụng "nâng mũi", chọn chất liệu kém có thể là nguyên nhân khiến mũi "sáng rực" khi ra nắng

Trả lời về vấn đề này, ThS. BSCKII Cao Ngọc Duy (Phó Trưởng khoa Phẫu thuật Hàm mặt - Thẩm mỹ tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang) cho hay: "Mũi đã can thiệp thẩm mỹ nhưng không đúng cách sẽ làm da mũi mỏng và có thể gây ra tình trạng bị ánh nắng xuyên qua như ảnh trên. Tôi nhấn mạnh là không phải là mũi tự phát sáng mà là có ánh nắng xuyên qua nên sáng".

Theo bác sĩ Cao Duy, có một số nguyên nhân có thể khiến sống mũi sáng lên khi ra nắng: Do mũi được đặt chất liệu kém chất lượng. Hơn nữa, tay nghề người thực hiện phẫu thuật không tốt cũng khiến cho da bị quá mỏng. Bên cạnh đó, việc lạm dụng thẩm mỹ, mổ nhiều lần và mổ không đúng cách, lựa chọn dáng mũi quá cao so với tình trạng da mũi... cũng sẽ gây ra tình trạng trên.

Rầm rộ cách check mũi có đụng chạm "dao kéo" hay không qua ánh sáng mặt trời, bí mật mà bác sĩ tiết lộ thực sự bất ngờ - Ảnh 2.

Thạc sĩ, bác sĩ CKII Cao Ngọc Duy nói về "sống mũi phát sáng" sau khi nâng mũi.

Vị chuyên gia cho biết, trong suốt nhiều năm làm nghề anh đã tiếp nhận không ít trường hợp bệnh nhân có phần da mũi quá mỏng sau nâng mũi. Không chỉ mũi mà không ít chị em cũng gặp phải tình trạng "phát sáng" này sau khi nâng ngực.

"Yếu tố khiến 'mũi phát sáng' sau khi nâng phần lớn là do tay nghề của bác sĩ kém và chất liệu nâng mũi không chất lượng. Hiện nay có rất nhiều chất liệu nâng mũi sinh học an toàn mà chị em có thể lựa chọn để có kết quả nâng mũi tốt hơn. Hơn nữa khi thẩm mỹ nên chọn những bác sĩ có chuyên môn, có nhiều kinh nghiệm, có gu thẩm mỹ tốt để tránh những biến chứng khó lường sau khi nâng", BS Cao Ngọc Duy cho hay.